Chiều ngày 07/4/2023, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (CSK) đã tổ chức Hội nghị công bố Chương trình VNU-Techgate 2023. Hội nghị với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ/ngành Trung ương, các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo ĐHQGHN và các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh trong và ngoài ĐHQGHN.

VNU-Techgate là chương trình do CSK khởi xướng và chủ trì tổ chức triển khai nhằm tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ cho trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; khai thác, quản lý, tạo lập tài sản trí tuệ; tiếp nhận đặt hàng của các địa phương/các doanh nghiệp để thúc đẩy việc tiếp nhận và chuyển giao tri thức, thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Năm nay, nhân kỷ niệm 30 năm Chính phủ ban hành Nghị định thành lập ĐHQGHN (1993-2023), CSK triển khai chương trình VNU- Techgate 2023 với quy mô được mở rộng và chất lượng được nâng tầm, với hơn 200 sản phẩm KH&CN sẵn sàng chuyển giao, thương mại hoá, hướng tới việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp khoa học công nghệ (spinoff) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được thành lập ở ĐHQGHN. 

Tại hội nghị, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc CSK nhấn mạnh vai trò của Trung tâm là cầu nối giữa các nhà khoa học - nhà trường - nhà đầu tư; Trung tâm sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu, gặp gỡ các nhà đầu tư, tư vấn và tiếp nhận đặt hàng của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển giao, thương mại hoá sản phẩm KH&CN đồng thời thúc đẩy các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo và tăng cường uy tín, vị thế của ĐHQGHN.

Ông Vũ Trọng Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm cũng tổng kết các kết quả đã đạt được và công bố triển khai chương trình VNU-Techgate 2023. Chương trình năm nay được kỳ vọng sẽ trở thành một kênh hiệu quả trong việc nâng cao tác động tích cực của khoa học bằng hoạt động Ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ và Chuyển giao sản phẩm.

Bên cạnh chương trình VNU- TechGate, ông Đặng Thành Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm cũng tổng kết và giới thiệu chương trình VNU Startup 100 là chương trình ươm tạo các dự án khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên ĐHQGHN để tìm kiếm, chọn lọc những ý tưởng của sinh viên ĐHQGHN để hỗ trợ phát triền thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa….

Nhận xét về các chương trình, GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng các chương trình này là một trong những đột phá phù hợp với chủ trương lớn “Đổi mới sáng tạo” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, cũng như đi đúng theo chiến lược phát triển của ĐHQGHN. Đây chính là sứ mệnh, tôn chỉ mục đích mà CSK cần kiên định để hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN. Mặc dù còn có những khó khăn trước mắt, nhưng đây là chương trình tiềm năng, cơ hội lớn, mang lại nhiều giá trị tích cực cho ĐHQGH do đó cần sự vào cuộc sâu rộng của ĐHQGHN, sự hưởng ứng của các nhà khoa học, sự chung tay của các đơn vị.

Trong khuôn khổ chương trình, CSK cũng đã công bố và ký kết các Thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và chuyển giao tri thức với Trường Quốc tế, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Viện Tài Nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp như Tổng Công ty Rau quả, nông sản-Vegetexco, Công ty Cổ phần O2, Công ty CP KisStartup,.... Trong đó, Trường Quốc tế và CSK đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ về sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu, bản quyền sách/tài liệu tham khảo.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

 

 

 

 

 

Nguồn: Phòng SHTT&CGTT